Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Tứ linh


Tứ linh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Để biết về tứ linh theo văn hóa cổ đại Trung Quốc, xem tứ tượng.
Tứ linh có nghĩa là 4 loài linh vật, chúng có mặt trong văn hóa của nhiều nước phương Đông, nhất là những nước ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc[cần dẫn nguồn]. Tứ linh bao gồm: long, ly, quy, phụng. Tương truyền, mỗi khi con vật nào trong tứ linh xuất hiện là báo điềm lành có thánh nhân ra đời[1].Tứ linh và tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) có mặt phổ biến trong hội họa, điêu khắc dân gian, nhất là ở các đình chùa và thường đi chung với các đề tài hoa lá, mây nước...

4 con vật thiêng

Thực tế, tứ linh gồm Long, Lân, Quy, Phụng được dân gian bắt nguồn từ bốn linh thần gồm Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước. Chúng được người xưa tạo ra từ bốn chòm sao cùng tên ở bốn phương trời. Chúng mang bên mình bốn nguyên tố tạo thành trời đất theo quan niệm của người xưa (lửa, nước, đất và gió). Và việc chọn nơi để làm thành kinh đô phải hội tụ yếu tố hòa hợp giữa các nguyên tố ấy.

Long

Về nguồn gốc của rồng thì theo cơ sở văn hóa Việt Nam thì con rồng có nguồn gốc từ Việt Nam sau đó mới du nhập vào Trung Hoa[2]. Chúng ta cũng thấy gần các triều đại cổ của Trung Quốc vua có biểu tượng là kỳ lân, trong khi tục xâm mình có hình rồng lại có từ thời Hùng Vương (tất nhiên chúng ta thấy rõ là rồng Việt Nam khác rồng Trung Quốc nhưng về hình dạng gần giống nhau). Rồng có chín đặc điểm quan trọng sau:
  1. Thân của rắn.
  2. Vẩy cá chép (81 vảy dương và 36 vảy âm).
  3. Đầu lạc đà.
  4. Sừng hươu.
  5. Mắt tôm hùm.
  6. Bụng của con sò.
  7. Gan bàn chân của hổ.
  8. Vuốt của chim ưng.
  9. Mũi, Bờm, Đuôi của sư tử.

Lân

Bình phong long mã tại trường Quốc Học Huế
hay gọi kỳ lân vì lân là tên con cái, con đực gọi là kỳ
Lân có đầu nửa rồng nửa thú, đôi khi chỉ có một sừng, do không húc ai bao giờ nên sừng này là hiện thân của từ tâm. Phần nhiều lân có sừng nai, tai chó, trán lạc đà, mắt quỷ, mũi sư tử, miệng rồng, thân ngựa, chân hươu, đuôi bò. Thực ra trong tạo hình của người Việt chúng không tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc này. Chúng thường được thể hiện trong tư cách đội tòa sen, làm chỗ dựa cho Văn Thù bồ tát hay các Hộ Pháp, và nhiều khi ngồi trên đầu cột cổng hay xuất hiện trên mái nhà. Trong những tư cách này chúng xuất hiện cho sức mạnh của linh vật tầng trên, cho trí tuệ và như thể chúng có khả năng kiểm soát tâm hồn những người hành hương.
Một dáng hóa thân khác của kỳ lân là con long mã, bao giờ cũng được thể hiện chạy trên sóng nước (lấy từ tích Vua Vũ trị thủy). Người ta thường hiểu rằng: long là rồng, rồng thì bay lên , nghĩa là tung, tượng trưng cho kinh tuyến, thời gian - mã là ngựa, chạy ngang, là hoành, tượng trưng cho vĩ tuyến, không gian. Như vậy long mã tượng trưng cho sự tung hoành của nam nhi, cho thời gian và không gian, long mã chạy là biểu hiện cho vũ trụ vận động, đồng thời tượng trưng cho thánh nhân.

Quy

Quy đã xuất hiện trong truyện cổ tích từ thời An Dương Vương, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là bóng dáng của thần Visnou, một tối thượng thần của đạo Bà La Môn. Trong tạo hình, người ta bắt đầu thấy Quy từ năm 1126 trong tư cách đội bia ở chùa Linh Ứng, Thanh Hóa, từ đó tồn tại thường xuyên dưới hình thức đội bia; mãi đến tận thế kỷ 15 mới thấy đội hạc.
Quy là vật hợp bởi cả âm lẫn dương: bụng phẳng tượng trưng cho đất (âm), mai khum tượng trưng cho trời (dương). Hình tượng rùa đội bia tượng trưng cho hạnh phúc, phát triển và sự chịu đựng. Đó là quan niệm dân gian.
Quy là cao quý , nhiều khi nó là chủ nguồn nước (rùa phun nước thiêng), là một linh vật của đất Phật.

Phụng

Phụng là tên con mái, con trống gọi là loan. Phụng có mỏ diều hâu dài, tóc trĩ, vẩy cá chép, móng chim ưng, đuôi công... Các bộ phận của phụng đều có ý nghĩa của nó: đầu đội công lý và đức hạnh, mắt tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, đuôi là tinh tú, lông là cây cỏ, chân là đất. Như vậy nó tượng trưng cho bầu trời, khi nó bay hoặc múa (phụng vũ) là tượng trưng cho sự hoạt động của vũ trụ. Vì thế phụng là hình tượng của thánh nhân, của hạnh phúc. Nếu rồng có yếu tố dương, tượng trưng cho vua chúa thì phụng lại có yếu tố âm nên tượng trưng cho hoàng hậu và người đàn bà
Phụng tương ứng với Chu Tước.
Trong truyện phong thần cũng có nhắc tới cặp loan phụng, tình chúng như sắt đá. nó đề cặp con mái là phụng, con trống là loan.

TRONG TỨ LINH THÌ ÂM DƯƠNG HÀI HÒA, LONG LÂN QUY PHỤNG, TRONG ĐÓ CON THỨ 2 VÀ THỨ 4 (LÂN, PHỤNG) ĐỀU LÀ GIỐNG MÁI, CÒN LẠI (LONG QUY) LÀ GIỐNG ĐỰC.

Suu Tam- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Con Nghê – Linh vật thuần Việt


Con Nghê – Linh vật thuần Việt


Hai linh vật đặc thù của văn hóa Việt Nam là chim Hạc và con Nghê, thế nhưng trong khoảng hai trăm năm gần đây, ta thường thấy rồng và lân được dùng trang trí trong các đền chùa, dinh thự lớn. Như tượng hai con lân trắng ở ngay trước sân chùa Vĩnh Nghiêm, Sài gòn chẳng hạn. Những ngôi nhà lớn của người Việt ở hải ngoại hay ở trong nước cũng trang trí bằng tượng con lân. Chim hạc là linh vật từ thời các vua Hùng dựng nên nước Văn Lang ta, còn con Nghê xuất hiện từ bao giờ? (Phải chăng từ đời Lý, khi nền văn hóa thuần Việt được phục hồi và phát triển sau một ngàn năm Bắc thuộc?). Dù là biểu tượng thuần túy Việt Nam nhưng con Nghê lại được ít người biết đến.

Con Nghê là gì?

Trong đời sống của người dân Việt, hai con thú được coi như những người bạn thân thiết, gần gũi và quan trọng nhất là con trâu và con chó. Trâu để cầy ruộng, giúp sản xuất lúa gạo, chó để giữ nhà, phòng kẻ gian, phòng thú dữ. Đời sống thực tế có chó giữ nhà, còn đời sống tinh thần thì sao? Ông cha ta cũng cần một linh vật để chống lại các tà ma ác quỷ nữa chứ. Chó đá được dựng lên vì thế. Ở làng quê miền Bắc Việt Nam, trước cổng làng bao giờ cũng có một con chó đá để bảo vệ cả làng, trước cổng đình bao giờ cũng có chó đá, và trước cổng nhà hay ở ngoài đầu hồi, ngoài cửa nhà cũng thường có chó đá ngồi trước canh giữ cho gia chủ. Những con chó đá này hình dạng thay đổi, cao khoảng từ nửa thước tới một thước, thường là những tảng đá được khắc đẽo rõ ràng oai vệ, nhưng có khi chỉ là một khối đá đặt nghiêng theo dáng một con chó đang ở thế ngồi canh giữ. (Truyện cổ cũng thường nhắc đến chó đá, như chuyện “Cậu học trò và con chó đá”, chuyện “Hai anh em và con chó đá” – Xin đọc: Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc,Truyện cổ nước Nam)

Rồi để bầy trước điện thờ, hay bàn thờ của những nhà giàu có, ở các đình chùa, đền miếu, chó đá hoá linh. Chó đá được khắc đẽo với những chi tiết oai vệ, đầu chó, mặt chó đầy những nét oai nghiêm. Vì linh thiêng như thế, nên được gọi là con Nghê.

Con Nghê còn được dùng để trang trí trong các ngôi đình cổ ở Việt Nam. Nghê được chạm trên cốn (xà ngang từ cột ra để đỡ xà dọc ở mái ngoài), hay được đạt trên đầu đao (sống mái chạy từ đỉnh nóc nhà xuống, cong lên như hình cây đại đao (mã tấu) nên gọi là đầu đao), như trên cốn đình làng An Hoà (Hà Nam), Phất Lộc (Thái Bình), cột đình làng Hội Thống (Hà Tĩnh) đầu đao đình làng Phù Lão (Bắc Giang), làng Trung Cần (Nghệ An), làng Tây Đằng (Sơn Tây)… chẳng hạn. Thuở nhỏ, vào khoảng đầu thập niên 1950 ở Thái Bình, còn thấy ở nhà cụ Hà Ngọc Huyền, ông ngoại chúng tôi có chưng tượng con Nghê cao gần một thước ngay lối vào phòng khách cùng với những bình, những chóe đời Khang Hy nhà Thanh, đời Minh… Con Nghê này không biết nay đã lưu lạc về đâu?

Vậy con Nghê là một linh vật thuần Việt, được sáng tạo để bảo vệ đời sống tâm linh của người Việt. Con Nghê thường được thấy qua các món đồ gốm, mà có thể được giới thiệu tiêu biểu dưới đây.


Vài hình tượng con Nghê tiêu biểu

Tượng con Nghê: dựa trên nước men, màu men, chất đất ta có thể định rằng đây là một tác phẩm đời Lý (thế kỷ XI - XII). Con Nghê này cao độ 36cm, bàng đất nung, phủ men nâu, nét tô đắp cực kỳ tinh xảo, con Nghê trông sống động, oai vệ, tưởng chừng như có thể phóng lên xua đuổi tà ma ngay tức khắc. Mặt Nghê ngắn. Mình Nghê thon dài, rất thanh tú. Cổ Nghê đeo dây lục lạc có tua, cổ ngửng thẳng. Lông trên sống lưng dựng đứng như một hàng kỳ, chạy suốt từ đỉnh đầu xuống đến đuôi. Chân Nghê thanh nhưng thẳng và mạnh, chân sau ở thế ngồi bắp thịt đùi trông rắn chắc mạnh mẽ, hai chân trước chống cao, chỗ đầu gối có lông xoắn cong. Mắt to, miệng lớn, mũi lớn, miệng Nghê hơi hé mở để lộ những răng nanh nhọn hoắt, như sẵn sàng xua đuổi tà ma. Tai Nghê lớn. Lông Nghê mượt sát vào mình với những đường khắc, uốn từ sống lưng xuống phía bụng, trông như vằn chó.

Phân biệt con Nghê và con Lân


















Con Nghê là linh vật đặc biệt của văn hóa Việt Nam, con Lân thuộc văn hóa Trung Hoa. Về hình dạng, con Lân trông giống sư tử, mà có sừng, chân như chân trâu, thân hình tròn mập, có vẩy như vẩy rồng, miệng ngậm quả cầu, hay ngồi chống chân lên quả cầu. Con Nghê có kỳ mà không có sừng, mình thon nhỏ, chân như chân chó, dáng thanh, trông rõ ràng dáng chó chứ không tròn mập như dáng như sư tử, đuôi Nghê dài, vắt ngược lên lưng, đuôi Lân ngắn, xòe như cánh chim hay cuộn tròn như đuôi thỏ.

Một số người lại còn tưởng lầm con Nghê là con sư tử. Bởi vì chữ “Nghê” (hay “toan nghê”) trong chữ Hán vốn có nghĩa là con sư tử. Tuy nhiên phải để ý rằng có nhiều chữ Hán-Việt mà nếu ta tra tự điển Tầu, thì lại có nghĩa khác hẳn, bởi vì ông cha ta rất nhiều khi mượn chữ Hán nhưng lại đổi nghĩa đi mà dùng (người Pháp khi nghiên cứu về Việt Nam thì lại thường học chữ Hán của người Tầu, tra cứu sách Tầu viết về Việt Nam - chứ không tìm hiểu thẳng vào văn hóa Việt - nên nhiều khi sai nghĩa, sai sự việc rất xa. Người Pháp cũng vì học theo Tầu nên đã sai theo, cũng như từng theo sách Tầu mà gọi sai nước ta là An Nam, trong khi các văn thư cổ của triều đình Huế thì chỉ dùng chữ Việt Nam hay Ðại Nam. Trong quyển Chơi chữ, Lãng Nhân đã từng đưa ra vài ví dụ như: “tử tế” có nghĩa là “tinh mật, kỹ lưỡng” ta lại quen dùng theo nghĩa hiền hậu; “lịch sự” có nghĩa là “trải đời” ta dùng là “sang trọng”, “trân trọng” nghĩa là “quý trọng” lại bị đổi là “nghiêm cung, kính trọng”… Trong cách thức đó, ông cha ta đã không cần để ý đến chữ “Nghê” có nghĩa là con gì trong chữ Hán, mà cứ lấy đó để đặt tên cho “chó đá hóa linh”. Nếu ai đã từng nhìn thấy tượng con Nghê thì cũng đều nhận thấy rằng đó là con chó đang ngồi chứ không phải là con lân hay con sư tử. Vài nhà nghiên cứu đã không có cơ hội này nên chỉ biết theo sách của người Pháp, tự điển của người Tầu mà lầm con nghê Việt Nam ra con sư tử hay con lân của Tầu. Chúng tôi chủ trương rằng nghiên cứu đồ cổ thì phải nhìn thấy tận mắt, tốt hơn nữa là được cầm trong tay, và được nghe từ tiếng nói dân gian trong thôn làng xưa rồi suy nghẫm, tra cứu, đối chiếu. Vì thế, ngoài những hình chạm khắc trên cốn, tượng con nghê trên đầu đao, trên cổng các ngôi đình làng cổ ở miền Bắc, lời chỉ dẫn của các cụ già, chúng tôi còn dựa sự quan sát của mình trên các tượng con nghê, các nậm rượu trong bộ sưu tập đồ cổ của riêng
mình.

Con kỳ lân và con nghê


Con kỳ lân và con nghê

Trong rất nhiều chi tiết trang trí kiến trúc hiện nay, hình tượng kỳ lân và nghê tạo ra nhiều ngộ nhận hơn cả. Đằng sau hai hình tượng này là câu chuyện về quá trình tiếp nhận văn hóa của người Việt.

Mặt Nghê đá đời Trần


Con vật báo điềm lành

Kỳ lân là một trong 4 linh vật: long, ly, quy, phượng theo tín ngưỡng dân gian Á Đông như tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam… Kỳ lân là một con vật tưởng tượng, có đầu nửa rồng nửa thú, đôi khi chỉ có một sừng, do không húc ai bao giờ nên sừng này (được coi) là hiện thân của từ tâm. Phần nhiều lân có sừng nai, tai chó, trán lạc đà, mắt quỷ, mũi sư tử, miệng rộng, thân ngựa, chân hươu, đuôi bò. Đôi khi nó có hình dáng của một con hưu xạ, với chiếc đuôi bò, trán sói, móng ngựa, da có 5 màu: đỏ, vàng, xanh, trắng, đen, dưới bụng có màu vàng.

Con vật này lắm lúc xuất hiện với mình của một con hoẵng, có vảy cá ở thân… Nhưng dù xuất hiện với hình dạng như thế nào thì trong trí tưởng tượng của tín ngưỡng dân gian phương Đông, kỳ lân cũng là con vật báo hiệu điềm lành, là biểu tượng cho sự trường thọ, sự nguy nga đường bệ và niềm hạnh phúc lớn lao. Kỳ lân mang trong mình tất cả những phẩm chất của một con vật nhân từ, nó tránh giẫm lên các loại côn trùng, cũng như không phá hoại cỏ mềm dưới chân mình.

Nó không bao giờ ăn thịt hay làm hại bất cứ con vật nào cũng như không bao giờ uống nước bẩn. Kỳ lân xuất hiện đồng nghĩa với việc một vị minh quân, một nhà hiền triết nào đó sắp ra đời. Sử sách Trung Quốc cho rằng trong lịch sử, kỳ lân đã xuất hiện dưới triều vua Nghiêu, Thuấn và sau đó là vào thời điểm Khổng Tử ra đời.



Là con vật biểu trưng cho niềm vui và may mắn nên kỳ lân được sử dụng nhiều trong các chi tiết trang trí kiến trúc. Lân được dùng như một kiểu trang trí trên các bức bình phong của chùa, đền, miếu… lắm lúc chuyên chở trên lưng các bức cổ đồ, hình bát quái… với ý niệm thể hiện sự may mắn luôn song hành cùng chữ nghĩa, đạo lý cuộc đời, đó là sự bảo trợ cần thiết mang tính linh thiêng. Thỉnh thoảng, lân cũng được gửi gắm như con vật linh bảo vệ cho các công trình kiến trúc, dinh thự, lăng mộ… từ Trung Quốc, hình tượng kỳ lân với đầy đủ ý nghĩa của nó đã vào Việt Nam theo bước chân xâm lăng và ý muốn đồng hóa dân tộc Việt của người Hán.
Sự truyền bá văn hóa đó đã diễn ra có lúc mãnh liệt có lúc tàn bạo với ý muốn hủy diệt. Hình tượng kỳ lân từ đó đã xuất hiện nhiều hơn ở Việt Nam, ngay cả khi đất nước đã giành được độc lập. Tuy nhiên, bên cạnh chi tiết trang trí kỳ lân, trên các công trình kiến trúc, đồ gốm, đồ đồng… ở nước ta còn xuất hiện thêm hình tượng trang trí có hình dáng giống với kỳ lân nhưng không hẳn là kỳ lân.


L.Cadiere, vị linh mục người Pháp có tinh thần khách quan trong những công trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, đã nêu nghi vấn về chi tiết trang trí này. “Có một con vật rõ ràng không phải là con kỳ lân thực sự, mà nó có vẻ là con sư tử, hay là thuộc một giống vật khác; trong lúc đó nó lại được người Việt Nam gọi là con kỳ lân. Đó là con vật mà chúng ta thấy ở trên đầu các trụ trước các đền chùa. Bộ lông, cái đầu, cái đuôi, nhất là những móng vuốt, thay cho những móng đề, đã làm cho con vật này giống với con sư tử hơn là một con kỳ lân”.
Sự nghi ngờ ấy là có cơ sở vì kỳ lân là một con vật tưởng tượng, sẽ hiện diện trên thực tế với ý niệm và tâm hồn của văn hóa đất nước nó đang tồn tại. Con vật được người Việt sử dụng nhiều trong các công trình kiến trúc nhằm chuyển tải ước muốn may mắn hẳn nhiên chịu ảnh hưởng của con kỳ lân Trung Hoa nhưng sẽ sai lầm nếu cho rằng đó là hoàn toàn hình mẫu căn bản từ con kỳ lân đến từ phương Bắc.
04-ky-lan-30-21409-300-a5.jpg
Linh vật thuần Việt

Trong các chi tiết trang trí kiến trúc của văn hóa Việt Nam, vẫn tồn tại hình tượng con nghê với những miêu tả về hình dáng giống với con kỳ lân  Trung Quốc. Đó là con vật mình không lớn, không có sừng, chân ngắn và thường có móng vuốt, không có vảy ở thân, đầu, mình và đuôi thường có lông che phủ. Với hình dáng nhỏ nhắn, phần nào thể hiện nét tinh nghịch và vui tươi, nghê là chi tiết trang trí được sử dụng nhiều ở Việt Nam.

Tác giả Bùi Ngọc Tuấn trong cuốn Đồ gốm cổ truyền Việt Nam đã cho rằng nếu kỳ lân là hình tượng của văn hóa Trung Hoa thì nghê là hình tượng mang đầy đủ ý niệm và tâm linh của người Việt Nam. “Trong đời sống của người dân Việt, hai con thú được coi như những người bạn thân thiết, gần gũi và quan trọng nhất là con trâu và con chó. Trâu để cày ruộng, giúp sản xuất lúa gạo, chó để giữ nhà, phòng kẻ gian, phòng thú dữ.



Đời sống thực tế có chó giữ nhà, còn đời sống tinh thần thì sao? Ông cha ta cũng cần một linh vật để chống lại các tà ma ác quỷ nữa chứ. Chó đá được dựng lên vì thế. Ở làng quên miền Bắc Việt Nam, trước cổng làng bao giờ cũng có một con chó đá để bảo vệ cả làng, trước cổng đình bao giờ cũng có chó đá, và trước cổng nhà hay ở ngoài đầu hồi, ngoài cửa nhà cũng thường có chó đá ngồi trước canh giữ cho gia chủ.
Những con chó đá này hình dạng thay đổi, cao khoảng từ nửa thước tới một thước, thường là những tảng đá được khắc đẽo rõ ràng oai vệ, nhưng có khi chỉ là một khối đá đặt nghiêng theo dáng một con chó đang ở thế ngồi canh giữ (…) Rồi để bày trước điện thờ, hay bàn thờ của những nhà giàu có, ở các đình chùa, đền miếu, chó đá hóa linh. Chó đá được khắc đẽo với những chi tiết oai vệ, đầu chó, mặt chó đầy những nét oai nghiêm. Vì linh thiêng như thế, nên được gọi là con Nghê”.
04-ky-lan-30-21409-300-a7.jpg

Quả thật, con Nghê còn được dùng để trang trí trong các ngôi đình cổ ở Việt Nam. Nghê được chạm trên cốn (xà ngang từ cột ra để đỡ xà dọc ở mái ngoài), hay được đặt trên đầu đao (sống mái chạy từ đỉnh nóc nhà xuống, cong lên như hình cây đại đao (mã tấu) nên gọi là đầu đao), như trên cốn đình làng An Hòa (Hà Nam), Phất Lộc (Thái Bình), cột đình làng Hội Thống (Hà Tĩnh), đầu đao đình làng Phù Lão (Bắc Giang), làng Trung Cần (Nghệ An), làng Tây Đằng (Sơn Tây)… chẳng hạn. Cho nên, tác giả Bùi Ngọc Tuấn kết luận: “Vậy con Nghê là một linh vật thuần Việt được sáng tạo để bảo vệ đời sống tâm linh của người Việt”.

Lý giải của tác giả Bùi Ngọc Tuấn không phải không có cơ sở vì con chó trong văn hóa Việt Nam là một con vật sống gần gũi, gắn bó với con người. Điều đó được minh chứng trong rất nhiều câu chuyện thần thoại, truyền thuyết lưu giữ trong dân gian của dân tộc Việt, Mường… Nhìn lại cụ thể, chi tiết kiến trúc mà L.Cadiere nghi vấn ở trên có thể có hình dạng từ con chó. Tất nhiên, hình tượng đó đã được trí tưởng tượng của người dân đất Việt thêm thắt cho phù hợp với ý muốn và sự cầu mong may mắn của mình.

Tuy nhiên, tất cả những lý giải trên đều chỉ là phỏng đoán; và vẫn chưa có cứ liệu cụ thể để khẳng định hình tượng con nghê xuất phát từ hình dạng con chó. Chúng ta đều thừa nhận trong văn hóa Việt, con chó là con vật gần gũi, thân thiết với cuộc sống con người như những lý giải của tác giả Bùi Ngọc Tuấn. Nhưng rõ ràng con chó đối với người Việt vẫn chưa được thiêng hóa đến mức có thể coi là vật linh để được khắc họa trên các trụ biểu, đầu đao hay trấn giữ cổng chùa, đền, miếu… Vẫn còn đó những danh xưng có phần miệt thị và bạc bẽo tồn tại trong dân gian dành cho con chó, đồ con chó, đồ chó đẻ…

Trên thực tế, nghê (hay toan nghê) trong tiếng Hán có nghĩa là con sư tử. Điều đó có đồng nghĩa nghê chỉ là con vật mang hình dạng của sư tử? Merher Mc Arthur chỉ rõ: “tại cổng vào của một số đền chùa, nhất là ở Đông Á và Đông Nam Á thường có một cặp nghê, một thứ linh thú tựa như sư tử, từ Hán Việt là Phật sư, trấn giữ”. Nhìn đại thể, văn hóa Việt Nam với cơ tầng vốn có của mình bên cạnh việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa của người Hán đã tiếp nhận trong hòa đồng một phần văn hóa Ën Độ, cụ thể ở đây là Phật giáo.

Nếu văn hóa Hán theo bước chân những đạo quân xâm lăng phương Bắc tràn vào Việt Nam thì văn hóa Phật giáo đến với người Việt một cách nhu mì hơn. Người Việt trong hoàn cảnh phải chống lại thế lực hùng mạnh phía Bắc đã nương nhờ vào triết lý từ bi, khoan dung của Phật giáo để tồn tại suốt thời kỳ Bắc thuộc cũng như thời kỳ đầu độc lập.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà các nhà Lý, Trần chọn Phật giáo làm tôn giáo chính của đất nước dù trên danh nghĩa tôn giáo này không phải là quốc giáo. Các vị sư sãi đã đóng những vai trò quan trọng trong triều đình; chùa chiền, tự viện mọc lên khắp đất nước thời kỳ này (và cả về sau)… Phật giáo đã hòa vào lòng dân tộc Việt Nam; nói đến văn hóa Phật giáo cũng đồng nghĩa với việc đang nói đến văn hóa Việt Nam.

Hiểu rõ điều này ta sẽ dễ dàng chấp nhận tượng nghê ở đầu các trụ biểu, đầu đao, cổng chùa, đền, miếu… là hình tượng của Phật sư hay sư tử trong văn hóa Phật giáo. Trong lịch sử Phật giáo, sau khi Đức Phật giác ngộ, người ta thường nhắc đến Ngài như là Con sư tử của dòng họ Shakyas cũng như nói đến nguồn gốc vương giả và thừa nhận uy lực tâm linh vô biên của Ngài. Sư tử trong văn hóa Phật giáo thường biểu thị uy lực của Phật pháp; nhưng trong hình tượng chung, sư tử thể hiện sức mạnh của con vật là chúa tể muôn loài, quyền năng và quý trọng. Hình tượng sư tử ở ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam có những nét không giống nhau tùy theo cách hiểu và vận dụng ý nghĩa ban đầu của con vật này ở mỗi nền văn hóa.

04-ky-lan-30-21409-300.jpg

Như vậy với văn hóa Việt Nam, hình tượng con nghê rất có thể bắt nguồn từ Phật sư, nhưng hình tượng ấy được thể hiện nhỏ nhắn và linh động hơn. Người Việt Nam đã khôn khéo xây dựng cho riêng mình con nghê không giống với nghê mang hình dáng sư tử, bệ vệ trên các công trình của Phật giáo ấËn Độ (hoặc các nước chịu ảnh hưởng Phật giáo và văn hóa ấn Độ).

Nó cũng là một biểu tượng khác với kỳ lân hay sư tử Trung Quốc. Nghê trong hình tượng trang trí ở Việt Nam không có thân hình cao lớn của ngựa như sự tưởng tượng về con kỳ lân, đuôi hẳn nhiên không phải là đuôi bò, thân ít khi có vảy cá. Nghê cũng không có đầu nửa rồng nửa thú và lại không có sừng. Nghê trong mỹ thuật trang trí của người Việt có thân hình vừa phải, không quá to như thân sư tử. Dáng đứng của nghê cũng không quá chú trọng đến việc tạo ra sự hiên ngang, khí phách mà thay vào đó là sự uyển chuyển và nhẹ nhàng.


Tựu trung lại, hình tượng nghê và kỳ lân trong nghệ thuật trang trí trên các công trình kiến trúc ở Việt Nam là hai hình tượng khác nhau. Kỳ lân là hình tượng mang phong cách văn hóa Trung Hoa trong khi nghê là linh vật bắt nguồn từ Phật giáo nhưng đã được người Việt cải biến. Đó cũng là một điều dễ hiểu. Trong văn hóa Việt Nam, qua quá trình tiếp xúc với văn hóa bên ngoài, người Việt đã tiếp thu những điều cần thiết và cải biến chúng mang hồn Việt và văn hóa Việt. Trường hợp con kỳ lân và con nghê là ví dụ cụ thể.


Rồng Việt Nam từ khởi nguồn đến hiện đại


Rồng Việt Nam từ khởi nguồn đến hiện đại

Theo GS sử học Lê Văn Lan, hình tượng rồng Việt Nam mỗi thời mang dáng dấp riêng. Thời Lý rồng hồn nhiên, đến thời Trần được thổi vào vẻ mạnh khỏe, thời Lê thì quan liêu hách dịch và thời Nguyễn trở nên cứng nhắc.

Ngày cuối năm Tân Mão, trong căn nhà nhỏ trên phố Nguyễn Văn Tố (Hà Nội), GS sử học Lê Văn Lan say sưa nói về con rồng, biểu tượng của năm mới Nhâm Thìn. Theo ông, hiện có rất nhiều quan điểm và cái nhìn về rồng ở Việt Nam. Tuy nhiên, để tìm hiểu được sâu sắc và tổng quan về con vật linh thiêng này cần bắt đầu từ ngôn ngữ học.
Rồng bắt đầu bằng phụ âm rung là "r". Từ "rồng" về mặt cấu trúc ngôn ngữ học là sự đơn âm tiết hóa (tức là làm cho từ gốc đa âm tiết của tiếng Việt cổ thành đơn âm) và được bảo lưu ở vùng Tây Nguyên. Ở đó người ta chỉ con sông là Krông, có 2 phụ âm kép K và R, nguyên âm "ông". Ví dụ Đăk - Krông nghĩa là nước sông; Krông Ana là thủy điện xây trên sông Ana. "Krông" khi đơn âm tiết hóa và bảo lưu lại phần phụ âm rung, cộng nguyên âm "ông" thì chính là "rồng".
"Do đó rồng có nguồn gốc tượng hình của con sông", GS Lan khẳng định và dẫn chứng thêm, nếu leo lên cao chụp lại các khúc uốn của con sông thì đó hoàn toàn là hình ảnh con rồng. Các biểu tượng rồng nghìn năm hiện nay cũng chính là hình ảnh dòng sông. Từ xa xưa, khi nào cần nước thì người dân cầu khấn rồng. Rồng sẽ phun nước cung cấp nguồn sống cho mùa màng. Rồng là một vị phúc thần.
Hình tượng rồng thời Lý với thân tạo hình dòng sông.
"Nhiều người cho rằng rồng chỉ gắn với vua chúa. Rồng là vua với các từ như long nhan (mặt vua), long thể (người vua), long sàng (giường vua)... Nhưng đó là một suy nghĩ hạn chế bởi rồng không chỉ gắn bó mà còn đồng nhất, đùa cợt, chơi đùa với dân", GS Lan nói.
Ông dẫn chứng, nếu tìm các mảng điêu khắc đình làng, nơi chứa tinh hoa nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 17-19 sẽ gặp một loạt hình tượng rồng gắn bó với dân. Có ông cụ rồng đeo kính dạy học cho lũ rồng con, có ổ rồng trong đó con rồng mẹ đang quấn quít cùng rồng con. Đặc biệt có cả cảnh các cô gái làng tắm trần nhưng ở thế tắm chung với rồng, vuốt râu rồng, thậm chí cưỡi lưng rồng...
GS Lan cho hay, trong văn hóa học, nơi nào là xuất phát của văn hóa thì gọi là "bình phát", còn nơi tiếp nhận gọi là "bình chứa". Ở Việt Nam lưu hành ý kiến văn hóa Việt thường xuyên là bình chứa, nhưng thực chất có thời kỳ chúng ta là bình phát, có sự giao lưu hai chiều.
Cũng trong ngôn ngữ học, âm rung là ngôn ngữ phương Nam, còn Hán ngữ không có phụ âm đầu rung. Chính vì thế nên Trung Hoa biến tất cả âm rung thành âm lưỡi, âm "l". Ví dụ trong xướng âm chúng ta có đồ, rê, mi, pha, son, Trung Hoa lại biến thành tồ, lê, mi, pha, xô. "Rê" thành "lê", đó là quy luật biến âm rung thành âm lưỡi.
"Việc rồng biến thành long là hoàn toàn đúng quy luật. Vì Trung Quốc có thời đã lấy rồng từ Việt Nam và biến thành long", GS Lan nói và khẳng định Việt Nam nên tự hào là khởi hình cho rồng Trung Hoa, táp vào các đặc điểm hình thể để tạo nên long.
Vị giáo sư sử học phân tích thêm, con rồng gốc Trung Hoa trên vùng Hoàng Hà, từ Đường, Lục triều, Hán thì chính là sư tử. Về sau, cùng với sự bành trướng xuống phía Nam, gặp Dương Tử giang đã tiếp nhận chữ "giang", âm viết là "công" chính là âm "K" trong từ Việt cổ "Krông" - một kênh tiếp nhận thêm các yếu tố rồng của Việt Nam. Từ thân là con thú sư tử thành thân dòng sông, thân rắn. Như vậy ít nhất một nửa rồng Trung Quốc là của Việt Nam.
"Ở Việt Nam còn tồn tại tư duy đèn xếp, gấp hết tất cả nếp văn hóa, thời gian lại và gọi chung là rồng Việt Nam. Nhưng ta có rồng Lý, rồng Trần, đến Lê, Nguyễn", GS Lan nói.
GS Lê Văn Lan khẳng định, Việt Nam là khởi nguồn của hình tượng rồng thể hiện rõ trong ngôn ngữ học. Ảnh: Hoàng Thùy.
Rồng thời Lý uyển chuyển, thậm chí hồn nhiên, giữ nguyên khởi hình là con rắn. Nhiều người thấy hình vẽ thu nhỏ trên con tem, trông rất giống con giun thì gọi là rồng giun. Tuy nhiên, trước đây Viện trưởng Viện bảo tàng Mỹ thuật đầu tiên, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, thấy ai gọi là rồng giun thì có thể ngất vì giận.
"Đó là rồng rắn, con giun thì hèn hơn rắn nhiều và không thể uốn thân lượn sóng được. Con rồng này còn được lưu giữ ở trong những câu đồng dao như trò chơi dân gian rồng rắn lên mây", GS Lan cho hay.
Hình ảnh con rồng thời Lý thích hợp với chính sách nhà Lý lúc bấy giờ, mềm mại, uyển chuyển, xuất hiện những ông vua hiền. Cũng từ thời Lý, hình tượng rồng vua - rồng dân cũng có nét phân biệt, rồng vua có 5 móng, còn rồng dân chỉ 4 móng.
Thời Trần dùng nguyên hình ảnh rồng thời Lý nhưng táp vào đó hào khí Đông A. Hào khí thời Trần thấm vào con rồng khiến nó trở nên mập mạp. Nếu rồng Lý bị nhầm với giun thì rồng Trần không thể nhầm được vì nó khỏe mạnh, lực lưỡng.
Rồng Lê lại bị ảnh hưởng dội ngược từ Trung Hoa. Hình ảnh con rồng thời này vẫn còn lưu giữ trong điện Kính Thiên, đó là con rồng do vua Lê Thánh Tông cho làm vào ngày 15/8/1467 (âm lịch). Tạo hình con vật này hợp với thời phong kiến thịnh trị. Nó bệ vệ oai nghi trườn từ điện Kính Thiên xuống, dương vây dương vảy, tỏ vẻ nghênh ngáo đắc ý.
Nếu rồng thời Lý còn chân chim ưng xòe ra rất hồn nhiên vì gắn với tự nhiên thì rồng trong điện Kính Thiên thò tay ra quặp lấy râu, vuốt râu. Rồng thời Lê vì thế trở thành quan liêu, dương dương tự đắc. Nó không còn hồn nhiên như thời Lý, khỏe mạnh như thời Trần mà trở thành một thế lực ung dung tự tại, nghênh ngang, hách dịch.
Đến rồng thời Nguyễn thì hoàn toàn xơ cứng, thể hiện rõ bước thoái trào của chế độ phong kiến. Nó chịu ảnh hưởng ngược của rồng Trung Hoa, trở nên cứng ngắc, đầy vẻ dọa nạt giống con rồng thời Minh, Thanh. Rồng ở cung đình, đền miếu lúc này như một thế lực đe dọa chứ không đùa giỡn với mọi người. Nó đi qua bước hồn nhiên thời Lý, khỏe mạnh thời Trần, quan liêu thời Lê và trở nên cứng nhắc thời Nguyễn.
"Ngày nay, trong thị hiếu của thời đại mới thì hình tượng rồng càng phức tạp, lòe loẹt, chứ không sâu sắc mang ý nghĩa như ngày xưa. Đặc biệt khi ta đang muốn 'hóa rồng' thì cần chú ý chọn mô hình nào để mà 'hóa", GS Lê Văn Lan nói.
Hoàng Thùy