Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Thôn Tiên Đôi Nội xã Đoàn Lập huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng -Thần tích

THẦN TÍCH - THẦN SẮC
Làng: Tiên Đôi Nội
Tổng: Tử Đôi.
Huyện: Tiên Lãng.
Tỉnh: Kiến An.

(Thôn Tiên Đôi Nội xã Đoàn Lập huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng)
Sao lục: Đoàn Lập, ngày 10 tháng 12 năm 2013.



THẦN TÍCH LÀNG TIÊN ĐÔI NỘI TỔNG TỬ ĐÔI
HUYỆN TIÊN LÃNG TỈNH KIẾN AN

          Đạo thứ nhất:
          Phiên âm:
          Sắc chỉ Hải Dương tỉnh Tiên Lãng huyện Tiên Đôi Nội thôn tòng tiền phụng sự Bản cảnh thành hoàng Linh phù chi thần, tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Tự Đức tam thập niên chính trị Trẫm ngũ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, đặc chuẩn hứa y cựu phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!
Tự Đức tam thập tam niên thập nhất nguyệt nhị thập tứ nhật.

          Dịch nghĩa:
          Sắc ban cho thôn Tiên Đôi Nội huyện Tiên Lãng tỉnh Hải Dương từ trước vẫn thờ phụng Bản cảnh Thành Hoàng Linh phù chi thần. Đã nhiều đời được ban cấp sắc phong cho phép thờ phụng. Năm Tự Đức 31(1878), đúng dịp lễ mừng thọ Trẫm ngũ tuần nên ban cho bảo chiếu đàm ân, tăng thêm phẩm trật. Cho phép được thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày quốc khánh và làm rõ phép thờ phụng. Kính thay.
Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức 33(1880)

          Đạo thứ 2:
          Phiên âm:
          Sắc Bản cảnh Thành Hoàng Linh phù chi thần, hướng lai hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cáp tặng sắc lưu tự. Tứ kinh phi ưng cảnh mệnh, diến niệm thần hưu, khả gia tặng dực bảo trung hưng chi thần. Nhưng chuẩn hứa hải Dương tỉnh Tiên Lãng huyện Tiên Đôi xã Nội Thôn y cựu phụng sự. Thần kì tương hựu.
Đồng khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật.
         
          Dịch nghĩa:
          Sắc ban cho Bản cảnh Thành Hoàng Linh phù chi thần, cứu nước giúp dân rất là linh ứng. Nhiều đời được ban cấp tặng sắc thờ tự. Nay trẩm nối mệnh lớn, nhớ đến công thần, nên gia tặng Dực bảo trung hưng chi thần. Cho phép thôn Nội xã Tiên Đôi huyện Tiên Lãng tỉnh Hải Dương được thờ phụng như cũ. Thần hãy phù trì giúp rập cho dân ta. Kính thay!
Ngày mồng 1 tháng 7 năm Đồng Khánh 2 (1887)

          Đạo thứ 3:
          Phiên Âm:
          Sắc chỉ Kiến An tỉnh Tiên Lãng huyện Tiên Đôi Nội xã tòng tiền phụng sự nguyên tặng Linh phù Dực Bảo trung hưng Bản cảnh Thành Hoàng Trung Túc Anh Nghị Trí Minh chi thần. Tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn y phụng sự. Duy tân Nguyên niên, tấn quang đại lễ, kinh ban Bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, đặc chuẩn y cựu phụng sự dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!
Duy tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật.
          Dịch nghĩa:
          Ban sắc cho xã Tiên Đôi Nội huyện Tiên Lãng tỉnh Kiến An được thờ phụng Linh phù Dực bảo trung hưng Bản cảnh Thành Hoàng Trung Túc Anh Nghị Trí Minh chi thần. Đã nhiều đời được ban cấp sắc phong cho phép thờ phụng. Năm duy tân thứ nhất (1907) nhân dịp lễ mừng Trẫm lên ngôi báu nên ban Bảo chiếu đàm ân, tăng thêm phẩm trật. Cho phép được thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày quốc khánh và làn rõ phép thờ phụng. Kính thay!
Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân 3 (1909)

          Đạo tứ 4:
          Phiên âm:
          Sắc Kiến An tỉnh Tiên Lãng huyện Tiên Đôi Nội xã tòng tiền phụng sự nguyên tặng Linh phù Dực bảo trung hưng Bản cảnh Thành Hoàng Trung Túc Anh nghị Trí Minh chi thần. Hộ quốc tí dân nẫm trứ Linh ứng, tiết mông ban sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị Trẫm tứ tuần đại khánh tiết ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ gia tặng Tĩnh hậu trung đẳng thần. Đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển, Khâm tai!
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.

          Dịch nghĩa:
          Sắc ban cho xã Tiên Đôi Nội huyện Tiên Lãng tỉnh Kiến An từ trước vẫn thờ phụng nguyên tặng Linh phù Dực bảo trung hưng Bản cảnh Thành Hoàng Trung Túc Anh Nghị Trí Minh Tôn Thần . Cứu nước giúp dân rất là linh ứng. Đã nhiều đời được ban cấp sắc phong cho phép thờ phụng. Nay đúng dịp lễ mừng thọ Trẫm tứ tuần nên ban cho bảo chiếu đàm ân tăng thêm phẩm trật, gia tặng Tĩnh hậu trung dẳng thần. Cho phép được thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày quốc khánh và làm rõ phép thờ phụng. Kính thay!
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (1924)



NGỌC PHẢ VỊ ĐẠI VƯƠNG CÔNG THẦN
TRIỀU TRƯNG NỮ VƯƠNG

(Chi cấn bộ trung đẳng, bản chính tại bộ lễ triều Lê)
          Xét: Xưa kia nước Nam mở vận, phân chia non sông theo cương giới sao Chẩn, sao Dực, đất Bắc phân phong, sắp đặt bờ cõi theo theo khu vực sao đẩu sao ngưu. Khoảng đời Hùng Vương, vua Kinh Dương Vương vâng mệnh phân phong của vua cha trở thành tiên tổ tông phái của các bậc đế vương nước Việt. Hoan châu danh thắng, xây dựng kinh đô, nghĩa lĩnh hình cường, sửa sang Miếu Điện, truyền ngôi tiếp nối, lại xưng Lạc Long Quân, kết duyên cùng tiên nữ ở Động Đình, sống trên núi nghĩa Lĩnh, trên đỉnh núi thường có mây Ngũ sắc rực rỡ bao phủ, từ đó bà âu Cơ có mang, đến kì sinh nở bà sinh một cái bọc trong có trăm trứng nở trăm người con trai khôi ngô tuấn tú, đều là bậc thánh hiền tài cao đức độ hơn người thường. Khi đã trưởng thành vua cha bèn phong hầu trấn giữ các nơi, phân chia nước ta thành mười lăm bộ. Trước đó Long quân nói với Âu Cơ rằng: "Ta giống rồng, làng rống tiên, tuy dương âm tương hợp mà sinh con nhưng vợ chồng chẳng hợp thủy hỏa tương khắc không thể cùng nhau chung sống mãi được. Thế rồi chia năm mươi người con theo cha xuống biển làm thủy thần cai trị nơi đầu nguồn góc biển, năm mươi người con theo mẹ lên núi sơn thần cai trị chốn đỉnh núi sườn non. Lại hẹn ước với nhau rằng hễ thấy ai có công việc thì cùng đến giúp đỡ, không được bỏ mặc. Vì thế về sau nhà họ Hùng có trăm vị thần sơn thủy thường xuyên ứng hiện, biến hóa thần thông, ngầm giúp đất nước, che chở muôn dân, nhà nào có phúc sẽ gặp được điểm này"
          Lại nói: Bấy giờ vào cuối đời vua Hùng thứ 18, họ Hùng suy vi, ý trời làm ra như thế. Trải đến các triều Đông Tây Hán lần lượt cai trị nước ta. khi ấy ở trang Kim Sá huyện Siêu Loại phủ Thuận An đạo Kinh Bắc (Xưa gọi là quận Vũ Ninh) có ông Nguyễn Húy Hiển lấy vợ là bà Vương thị người bản quận, hai vợ chồng sống cảnh nghèo khó túng thiếu, chặt cây, kiếm củi sinh sống. Tuy vậy vẫn hết lòng làm việc thiện một chút hại nhân cũng không làm, một ly lợi kỷ cũng không màng. Dân nơi đây đều khen vợ chồng ông bà là nhà tích thiện tất sẽ được nhiều niềm vui lớn. Vợ chồng ông một lòng ban hậu tích đức hiểm nỗi tuổi đã cao mà con cái lại muộn mằn, ngày đêm vợ chồng ông cầu khấn buồn rầu  không vui. Đêm hôm ấy vào khoảng cuối canh ba, Vương thị đang mơ màng ngủ thiếp đi bỗng mộng thấy mình nuốt một ngôi sao, thế là giật mình tỉnh dậy. Sớm hôm sau kể lại cho chồng nghe, ông nói "Chắc có điềm lành rồi" . Từ đó bà Vương thị thấy trong mình có thai (Hôm ấy là ngày mồng 10 tháng giêng năm giáp thìn ) rồi sinh được một người con trai thiên tư đĩnh dị diện mạo khôi kỳ, mắt thuấn mày nghiêu, vai thang lưng vũ, hình dung tú dị, trông rất lạ thường.           Khi ấy trong phòng sinh có một dải mây vàng bao phủ trên nóc nhà, mãi đến tối mới tan. Ông biết đây là thần nhân xuất thế nên rất yêu con và đặt tên là Minh. Ba tuổi biết nói, hiểu điều lễ nghĩa, biết kính trên nhường dưới, biết văn học hiểu âm luật. Bẩy tuổi ông đi học chỉ liếc mắt qua một lượt đã biết, khi ông 12 tuổi thiên tư cao mại, học lực tinh thông, thiên văn địa lý ông đều quán triệt, thuộc binh thư, giỏi võ nghệ, sĩ tử đương thời đều thán phục ông, họ đều khen ông là Thánh đồng. Khi ông 16 tuổi trao ôi! Những biến cố không lường trước được, họa vô đơn trí, cha mẹ ông đều qua đời, ông chọn đất tốt làm lễ an táng, đèn nhang thờ phụng cha mẹ theo đúng nghi thức trong 3 năm. Ông ngẫm nghĩ trong lòng muốn làm việc lớn giáo hóa sĩ dân. Khi ấy ông nhàn du sơn thủy, đi đến khu Tiên Đôi Nội huyện Tân Minh (Xưa gọi là Bình Hà đến đời hậu lê đổi là Tiên Minh) phủ Nam sách đạo Hải Dương (Xưa gọi là Hồng Châu) thấy địa thế nhất cục, sông núi uốn quanh, rồng chầu hổ phục phía trước có thể mở mang, phượng hoàng chầu phục, tả hữu đột khai long nhãn, lưỡng tỉnh tiền hậu, phong tinh dẫn mạch, nơi nơi đều chầu về, đúng là một phong quang thắng cảnh vậy. Hơn nữa thấy dân phong thật thà quê mùa, học thuật còn ít biết nên ông liền lập một trường học ở đây để dạy dân biết chữ, dạy dỗ dân dần dần lễ nghĩa ân phú. Mới được mấy năm, khi ấy đất nước thuộc Hán Quang Vũ, Hán Quang Vũ để Tô Định làm Thái thú Giao Châu , bọn Tô Định tàn bạo, quấy phá dân ta, khiến dân ta lầm than cực khổ. Khi ấy ở trang lộc dã huyện Châu Nga có con gái Trưng tướng quân, cháu ngoại Hùng Vương họ trưng húy Trắc, thực là hào kiệt trong đám nữ nhi, bậc thánh thần trên đời.
          Bọn Tô Định đã giết Thi sách chồng bà, bà vô cùng căm phẫn đã chỉ thiên tận địa thề không sống cùng Tô Định. Bà cùng em gái Trưng nhị khởi binh đến cửa sông Hát (Xứ Sơn Tây) thiết đàn cáo tế thiên sơn thủy địa bách thần, kết thành cơ ngũ, lại truyền di thư đến các đạo, châu, quận nơi nào có Nam Nữ tướng tài, anh hùng thao lược, mộ được hương binh gia thần thì dẫn đến ứng tuyển dẫn quân đánh giặc. Thế rồi chí tang bồng lòng cô chỉ, tức khắc truyền bảng chiêu binh, phủ dụ anh tài. Không đến 5 ngày, các bậc hào kiệt đến hưởng ứng, nhân dân gia thần sĩ tử đến phụ giúp, hàng vạn người dẫn đến ứng tuyển, Trưng nữ thấy ông, anh hùng thao lược, trí dũng hơn người, văn võ toàn tài cho đây là bậc anh tài nhất trong thiên hạ và phong làm tiền đạo đô chỉ huy sứ đại tướng quân hiệp đồng tướng sĩ, dấy binh đánh giặc. Ông bái tạ nhận quan chức dẫn quân thủy bộ hiệp đồng cùng Trưng nữ dẫn quân tiến thẳng vào đồn Tô Định đánh nhau một trận. Quân Tô Định đại bại, quân ta thu được nhiều khí giới lương thực, mã thất vô số, 65 thành xây đều thuộc về nước Nam, Trưng nữ lên ngôi vua mở yến chúc mừng, ban thưởng cho các tướng có công, ban cho ông thực ấp ở trấn Hải Dương: ông bái tạ rồi trở về thực ấp nhậm sở ở Hải Dương, khi ấy phụ lão nhân dân, gia thần đến bái tạ tâu rằng "Từ khi ông thiết lập học đường ở thần khu, giáo hỗi sĩ dân làm điều nhân nghĩa, huấn thị nhân dân sống cho hòa mục đã thành phong tục. Nay dân giáo hóa đã mở mang, cương trù đã ổn định vững vàng, hình phạt đã giảm bớt, dân chúng đều lễ nghĩa ân phú âu ca đó nhờ cả công đức của ông, đã lấy uy đức để vọng phụng vậy. Nay khu chúng thần đến làm lễ bái hạ và xin làm gia thần tử. Vì vậy nơi đây nay là học đường, sau này xin cho làm nơi thờ tự" Ông nghe xong và đồng ý và từ đó ông thư nhàn, trở lại nơi học đường mổ châu bò, giết lợn bái yết thiên hạ, thiết yến nhân dân, gia thần sĩ tốt ở bản khu, dân khu đến đến ẩm. Ông nói với mọi người rằng "Ta với dân đã thành cố nghĩa, đâu có một ngày mà quên nhau được. Trước đây ta lập học đường rồi yết bảng chiêu binh tại khu các vị. Ta đánh dẹp được Đinh tặc cũng là nhờ vào lòng trời giúp đỡ mà nay khu các vị có lòng với ta như vậy ta rất trọng, ta di mệnh cho muôn đời sau để khu các vị được thờ phụng, ta viết chúc thư và ban cho dân khu hai hốt vàng để sau này tu sửa tự khí". nhân dân gia thần, sĩ tử hoan hỉ yến ẩm, bái tạ lãnh mệnh và nhận tờ ủy chúc, công việc xong, ông xa giá về nhậm sở. Hôm ấy là thượng tuần tháng 11 mùa đông, ông đang ngỗi ở sảnh đường bỗng trong không gian trời đất tối tăm mù mịt, mưa gió sấm chớp ầm ầm ngày tựa như đêm, rồi một đám mây vàng trên trời giáng xuống sảnh đường như xa giá nghênh đón ông, ông cỡi mây bay lên không trung. Trong khoảng khắc trời quang mây tạnh không thấy ông đâu nữa, ông đã hóa luôn vậy. Hôm ấy là ngày 11 tháng 11 gia thần sĩ tốt ai lấy đều kinh sợ, lập tứ thành biểu tâu với triều đình, Trưng nữ Vương nghe tin liền sai sứ phụng sắc phong là tôn Thần.
          Phong ông là đương cảnh Thành Hoàng tế thế an dân uy dũng hùng lược thông minh bác đạt Trí minh ngưng hưu trung đẳng thần, sắc ban cho khu Tiên Đôi Nội được rước mĩ tự về cho dân được lập Miếu thờ phụng. Kính thay!
          Lại nói: Từ ấy trở về sau rất là linh ứng, nhiều đời vua được ban cấp tặng sắc gia phong mĩ tự Nhất Vị Đại Vương.
          Lại nói, trải đến các đời Ngô Hán Tống Tề Lương chừng 340 năm cho đến tiền Lý, hậu Lý, nội thuộc Tùy Đường, Nam Bắc phân tranh, Ngô vương kiến quốc, đến khi 12 sứ quân chia trị đất nước. Khi ấy có Đinh Tiên Hoàng (húy Bộ Lĩnh) khởi nghĩa ở Hoa Lư dẫn quân qua đây dừng giá trú binh ở ngôi Miếu này, cầu xin ngài bảo hộ quốc gia, tiễu trừ tàn tặc, để đất nước được thanh bình. Đinh công đánh dẹp giặc, thiên hạ bình yên, lên ngôi vua nghĩ lại trước đây có cho trú quân ở ngôi Miếu nơi này, cầu đảo được một vị thần hiểu ứng âm phù nên đã ban sắc phong mĩ tự là đương cảnh Thành Hoàng Đại Vương hiển hựu Trung túc Anh nghị Trí Minh Tôn thần. Cho đến đời vua Lý thái tổ (húy là Lợi) khởi nghĩa ở Lam Sơn, ba ngàn hổ lữ tiễu trừ nhà Hồ, đánh dẹp người Ngô, dành được thiên hạ, thái tổ liền phong thêm mỹ tự là Cương nghị Anh linh Đại vương. Sắc ban cho khu Tiên Đôi Nội sùng tu miếu điện để thờ phụng ông. Thật tốt đẹp thay!
          - Ngày thần sinh là mồng 10 tháng giêng, lệ trên dùng cỗ chay, dưới xôi, rượu, thịt lợn đen, ca hát.
          - Ngày thần hóa là ngày 11 tháng 11, lệ chính dùng cỗ chay, dưới thịt bò lợn, xôi rượu, cấm ca hát.
          - Ngày tốt tháng giêng năm Hồng phúc nguyên niên (1572) Hàn Lâm viện bộ lễ, đại học sĩ Nguyễn Bính vâng soạn bản chính.
          - Ngày tốt tháng 8 năm Vĩnh hựu 6 (1740) Nội các bộ lại tuân theo bản cũ viết lại.
          - Ngày tốt tháng 3 năm bảo Đại 13(1938) dân xã vâng sao lại.

(Bản dịch nghĩa được chép lại nguyên gốc do Nguyễn Thị Trang - Cán bộ Viện Hán Nôm dịch ngày 10/11/2000)
 
 






















Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Đoàn Lập 65 năm một chạng đường





ĐẢNG BỘ XÃ ĐOÀN LẬP
65 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

                                                      (Xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng)
Đoàn Lập là mảnh đất có truyền thống yêu nước từ rất xa xưa và có nền văn hiến rất sớm.
Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, Đoàn Lập nằm trong đơn vị hành chính là Tổng Tử Đôi, gồm cả Bạch Đằng ngày nay. Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước và cây thuốc lào. Vì chính sách cai trị của thực dân Pháp và bọn Vua chúa phong kiến, nên đời sống của nhân dân vô cùng cực khổ. Nạn đói năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu đồng bào ta nói chung và toàn Tổng Tử Đôi nói riêng có trên 500 người chết đói. Thôn Đông Xuyên Ngoại chết trên 200 người. Có tới 30 hộ gia đình chết không còn một người. Chính trong những ngày đen tối đó, với phong trào yêu nước do Đảng cộng sản lãnh đạo, ánh sáng cách mạng đã thức tỉnh trong dân chúng, tiêu biểu như các ông: Nguyễn Trọng Lượng, Nguyễn Cảnh Rỵ, Nguyễn Văn Thuyết...sớm tiếp thu và giác ngộ với phong trào Việt Minh và sau này phần lớn họ đều trở thành Đảng viên cộng sản.
Hưởng ứng lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19 tháng 8 năm 1945. Nhân dân Tiên Lãng nổi dậy khởi nghĩa vũ trang giành Chính quyền về tay nhân dân. Quan Tri huyện Nguyễn Đình Tại đầu hàng vô điều kiện.
Ngày 25 tháng 8 năm 1945 chính quyền Việt Minh được thành lập và chính thức điều hành mọi hoạt động, cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1945 do sự phát triển của phong trào và nhu cầu cách mạng đòi hỏi. Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời huyện Tiên Lãng quyết định: tách làng Xuân Lai, Xuân Hoà và Xuân Quang thuộc tổng Tử Đôi ra cùng với làng Phác Xuyên thuộc Tổng Phú Kê lập ra xã Bạch Đằng. Những làng: Nhân Vực, Hộ Tứ Nội, Hộ Tứ Ngoại, Đông Xuyên Nội, Tiên Đôi Nội, Vân Đôi, Tiên Đôi Ngoại, Tử Đôi, Tỉnh Lạc và Đông Xuyên Ngoại lập thành xã Đoàn Lập ngày nay. Diện tích đất tự nhiên 806 ha, có hơn 500 ha đất nông nghiệp. Dân số có 8005 khẩu với trên 1.900 hộ, gần 1/3 dân số theo đạo công giáo, địa bàn hành chính chia thành 12 thôn. Xã Đoàn Lập cử ra Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời gồm: 5 uỷ viên do ông Phạm Văn Nghiễn làm Chủ tịch.
Đầu tháng 12 năm 1945 Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời ra mắt công chúng trong cuộc mít tinh ở Chợ Mới. Nhân dân của 10 thôn trong xã hoàn toàn phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền.
Chính quyền cách mạng lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh các hoạt động, chống “Giặc đói”, “Giặc dốt”, “Giặc ngoại xâm”. Lúc này các tổ chức đoàn thể quần chúng được thành lập.
Đầu năm 1946 Đảng cử cán bộ về phụ trách phong trào xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở Đoàn Lập, Bạch Đằng. Ngày 24 tháng 6 năm 1947 hai đồng chí Nguyễn Trọng Lượng, Đào Văn Dừa được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam thành lập chi bộ ghép Đoàn Lập - Bạch Đằng. Chi bộ do đồng chí Thành cán bộ phụ trách khu làm bí thư chi bộ, đến  tháng 12 năm 1947 Đoàn Lập phát triển được 7 Đảng viên. Việc thành lập chi bộ ở xã đã đủ điều kiện. Ngày 25 tháng 4 năm 1948, Huyện uỷ ra quyết định thành lập chi bộ Đảng xã Đoàn Lập và cử đồng chí Nguyễn Trọng Lượng làm bí thư chi bộ. Sự ra đời của chi bộ Đảng xã Đoàn Lập đã mở ra một trang sử mới, đáp ứng kịp thời sự đòi hỏi và phát triển cách mạng của địa phương.
Cuối năm 1947 đầu năm 1948. Hải Phòng, Kiến An, Đồ Sơn, An Lão, Kiến Thuỵ bị địch chiếm đóng, Tiên Lãng là vùng tự do duy nhất của liên tỉnh Hải Kiến và là địa bàn chiến lược quan trọng của vùng Duyên Hải Bắc Bộ. Vì vậy chi bộ Đảng Đoàn Lập tập trung sự lãnh đạo vào các nhiệm vụ sau:
- Xây dựng củng cố chi bộ vững mạnh, lãnh đạo toàn diện phong trào cách mạng của xã, xây dựng lực lượng bán vũ trang, tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bám đất, bám dân, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu khi địch đánh chiếm Tiên Lãng.
- Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên và nghị quyết của chi bộ Đảng. Phong trào dân quân, du kích phát triển rộng khắp, thu hút các lứa tuổi tham gia lên tới trên 500 người, các lớp huấn luyện quân sự được mở ra. Phong trào phát triển rầm rộ. Song song với phong trào tập luyện của dân quân, du kích là các đoàn thể quần chúng, thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi và các phụ lão. Không khí cách mạng sục sôi lạc quan, phấn khởi, tin tưởng ở cách mạng là nét nổi bật trong thời kỳ này.
Để đáp ứng nhiệm vụ ngày càng khẩn trương của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tình hình Tiên Lãng vào cuối năm 1948 đầu năm 1949 rất cấp bách, giặc Pháp lăm le đánh chiếm Tiên Lãng là vùng tự do còn lại của Hải Kiến. Về chi bộ Đảng Đoàn Lập lúc này số đảng viên đã được phát triển đều khắp các thôn từ những quần chúng ưu tú của phong trào thanh niên, dân quân, du kích.. Do vậy Đại hội chi bộ Đảng lần thứ nhất được triệu tập vào giữa năm 1949 địa điểm tại nhà đồng chí Đồng (thôn Hộ Tứ Nội) với gần 100 đảng viên. Đại hội bầu ra chi uỷ gồm 7 đồng chí, đồng chí: Nguyễn Trọng Lượng được bầu làm Bí thư chi bộ.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ và Chính quyền cách mạng. Phong trào kháng chiến đã phát triển toàn diện, Lúc này mưu đồ đánh chiếm Tiên Lãng của giặc Pháp ngày càng lộ rõ. Đây đó ở Tiên Lãng, hàng ngày máy bay do thám hoạt động nhiều hơn. Tiếng bom đạn, tiếng đại bác của giặc đã nổ,tàn phá xóm làng ngay cả ở Đoàn Lập cũng đã có đồng chí, đồng bào hy sinh vì bom đạn của giặc.
Bước sang giai đoạn mới của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Tỉnh uỷ Kiến An nhận định địch đánh chiếm vùng tự do Tả ngạn Sông Hồng, trong đó có Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Quán triệt nghị quyết của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ. Chi uỷ Đoàn Lập xác định nhiệm vụ “Pháp chiếm Tiên Lãng xã Đoàn Lập sẽ là mục tiêu quan trọng, trong đó có thôn Đông Xuyên Ngoại, địch sẽ chiếm đóng đầu tiên”. Từ những nhận định trên, cấp uỷ phổ biến nhiệm vụ xuống tới các tổ Đảng, đảng viên, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến đấu sắp tới. Sau này khi diễn biến của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Tiên Lãng đã chứng minh rằng, nhận định của cấp uỷ lúc ấy là đúng đắn, sáng suốt. Vì vậy khi chiến sự xảy ra chúng ta không lúng túng, bị động và chủ động đối phó thắng lợi. Quân và dân ta tự tin bước vào cuộc chiến đấu.
- Đó là ngày 6 tháng 1 năm 1950 giặc pháp chiếm Tiên Lãng trong đó có thôn Đông Xuyên Ngoại. Sau đó một hệ thống đồn bốt được thiết lập từ thôn Đông Xuyên Ngoại, Vân Đôi, Tiên Đôi Nội... Giặc tiến hành càn quét, khủng bố, bắt lính, xây dựng chính quyền tay sai, phản động. Bắt thanh niên đi lính, lập các đội bảo an.
Trong khói lửa của cuộc kháng chiến của dân tộc. Đảng bộ và nhân dân Đoàn Lập đã góp một phần nhỏ bé vào sự thành công chung của đất nước. Những gương hy sinh anh dũng của đồng chí, đồng bào để lại những ấn tượng không phai mờ trong lòng mỗi chúng ta. Tiêu biểu như đồng chí Phạm Văn Tấc - Phó bí thư kiêm chủ tịch Uỷ ban kháng chiến xã Đoàn Lập. Đồng chí Nguyễn Văn Mệnh chủ tịch UBHC xã bị giặc bắt, nhưng luôn nêu cao ý chí kiên cường khí tiết của người cộng sản, đồng chí không một lời khai báo. Còn biết bao tấm gương cán bộ, du kích Đoàn Lập tiêu biểu khác đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ quê hương đất nước mà lịch sử Đảng bộ đã ghi mà hôm nay không thể kể hêt được.
* Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, quân dân Đoàn Lập đã thu được những thành tích to lớn:
- Đánh 57 trận tiêu diệt 149 tên giặc, làm bị thương 19 tên. Bắt sống 56 tên nguỵ, 42 tên bảo an, 32 tên vệ sĩ, thu 159 súng các loại, bắn hỏng một máy bay và 2 thuyền chở vũ khí của giặc.
- Nhân dân tiến hành 35 cuộc binh vận, lôi kéo 300 lính nguỵ về với gia đình, quê hương. Tấm hình du kích xã Đoàn Lập gài chông chống giặc còn lưu giữ như một chiến tích không thể phai mờ trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của lịch sử Việt Nam.
- Toàn xã có 357 thanh niên lên đường nhập ngũ, 193 người đi dân công hoả tuyến.
- Trong cuộc kháng chiến chống Pháp có 81 người đã anh dũng hy sinh được công nhận là liệt sỹ, 17 người là thương binh.
- Được Đảng, Chính phủ, Quốc hội tặng 2 huân chương kháng chiến hạng nhất, 1 huân chương kháng chiến hạng ba, các gia đình và cá nhân trong xã được tặng 7 huân chương, 218 huy chương, 32 bằng khen, 51 bảng vàng danh dự, 394 bảng gia đình vẻ vang.
Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng chi bộ Đoàn Lập lãnh đạo nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội. Năm 1961 Huyện uỷ Tiên Lãng quyết định chuyển chi bộ Đảng cộng sản Đoàn Lập thành Đảng bộ cơ sở Đoàn Lập. Đảng bộ có 86 đảng viên sinh hoạt ở 10 chi bộ  thôn trong xã. Nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ lúc này là: Xây dựng phong trào HTX nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, phát triển tiểu thủ công nghiệp góp phần xây dựng CNXH ở miền Bắc,đấu tranh thống nhất đất nước.
Bước sang giai đoạn mới, giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ xâm lược. Thực hiện nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho chiến trường, quân dân đẩy mạnh phong trào thi đua “ba sẵn sàng”- của thanh niên, “ba đảm đang”- của phụ nữ, các cụ ông, cụ bà động viên con cháu lên đường nhập ngũ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ xã nhà đã tiễn đưa 534 thanh niên lên đường vào chiến trường, 28 thanh niên xung phong, 50 lượt người đi dân công quốc phòng. Tạo điều kiện giúp đỡ 8 cơ quan, nhà nước, với 1250 cán bộ công nhân, học sinh, nhân dân nội thành sơ tán về địa phương an toàn, ổn định cuộc sống.
Thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nhân dân Đoàn Lập trong chiến tranh chống Mỹ đã đánh 14 trận đặc biệt là tổ dân quân trực chiến của xã đã nổ súng bắn rơi một máy bay A3J của Mỹ bằng 4 viên đạn súng trường. Rà phá 18 quả bom nổ chậm. Hầu hết thanh niên đã lên đường nhập ngũ, lúc này chi viện cho tiền tuyến chống Mỹ cứu nước là nghĩa vụ thiêng liêng nhất. Những người ở lại thi đua lao động sản xuất “làm việc bằng hai” sẵn sàng chiến đấu, dồn sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ thống nhất đất nước.
Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Dười ánh sáng Đại hội Đảng Toàn Quốc lần thứ 4, nước ta bước vào thời kỳ xây dưng và phát triển kinh tế, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1975, Đảng bộ đã lãnh đạo tiến hành hợp nhất từ 5 HTXNN liên thôn thành HTXNN toàn xã đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng cải tạo đồng ruộng, làm thuỷ lợi nội đồng, lạo vét kênh mương và phát triển kinh tế HTX đưa năng suất lúa ngày một nâng cao.
Năm 1980 - 1981 thành uỷ Hải Phòng ra nghị quyết số 10. Ban bí thư ra chỉ thị 100 “Về việc khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong sản xuất nông nghiệp", năm 1994 Chính Phủ ra Nghị định 64 về giao đất lâu dài, ổn định cho các hộ nông dân. Chuyển đổi mô hình HTXNN sang mô hình HTX dịch vụ. Đảng uỷ đã lãnh đạo, xây dựng đề án và kế hoạch chỉ đạo thực hiện kịp thời, đạt hiệu quả. Cơ chế mới ra đời đã giải phóng sức lao động, tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp phát triển, sản lượng lương thực hàng năm đều tăng, đời sống nhân dân được ổn định, sản xuất phát triển, văn hoá tinh thần được nâng cao.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ chi bộ Đảng tiền thân của xã Đoàn Lập mới chỉ có 7 đảng viên đến nay đã có gần 300 Đảng viên sinh hoạt ở 17 chi bộ. Qua 29 nhiệm kỳ Đại hội. Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân chủ động khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết, ra sức thi đua tích cực thực hiện công cuộc đổi mới trên các lĩnh vực công tác. Những chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội được Đại hội Đảng bộ xã xác định và chỉ đạo nhất quán các chi uỷ chi bộ, chính quyền cùng các ban ngành, các đoàn thể cụ thể hoá thành các chương trình kế hoạch hành động chuyển thành các phong trào cách mạng của quần chúng. Với phương châm và mục tiêu là: "Đảng bộ và nhân dân xã nhà tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, thống nhất ý chí hành động, tự lực tự cường, phát huy các tiềm năng thế mạnh và lợi thế của địa phương huy động nội lực tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của cấp trên. Đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn tạo bước đột phá làm chuyển biến mạnh mẽ và căn bản trên tất cả các lĩnh vực".
Nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân xã nhà đã mang lại những kết quả to lớn. Năm 2012 kinh tế của xã tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Cơ cấu kinh tế giữa các ngành Nông nghiệp - Thuỷ sản đạt  45%, Tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng đạt 33,5%, Thương mại - Dịch vụ 21,5%. Nhiều mô hình kinh tế trang trại và gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển với quy mô lớn. nhiều dự án kinh tế mới được đưa vào áp dụng và sản xuất mang lại hiệu quả cao, các thôn đều có khu đồng cho giá trị thu nhập từ 80 triệu đồng trở lên. Tổng sản phẩm GDP đã đạt 159.180 triệu đồng, tăng bình quân hàng năm gần 12 - 13%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 mới chỉ đạt hơn 8 triệu đồng đến năm 2012 đã đạt hơn 19,9 triệu đồng tăng gấp hơn 2,5 lần. Thu ngân sách đạt 6.134.204.000 đồng tăng 233% so với năm 2008. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường trạm, nhà văn hoá thôn, nghĩa trang liệt sỹ, cầu, cống, máng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng được khang trang hiện đại. Tổng vốn đầu tư năm 2012 đạt hơn 23 tỉ đồng. Song song với việc phát triển kinh tế Đảng bộ chú trọng phát triển văn hoá xã hội các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm giải quyết, đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo còn 7.81% giảm 8.2% so với năm 2008. Cuộc vận động xoá nhà tranh vách đất đã mang lại hiệu quả thiết thực hơn 200 hộ trong đó có gần 100 hộ chính sách được hỗ trợ vốn xoá nhà tranh vách đất. Toàn xã có 12/12 thôn khai trương và được công nhận danh hiệu làng văn hoá cấp huyện, 1 làng công nhận lại. Phong trào xã hội hoá TDTT đã từng bước đi vào cuộc sống. Lễ hội đua thuyền truyền thống Đầm Bì - là một lễ hội tâm linh sau gần 35 năm đã được khôi phục trở lại, nhân dân tham gia hưởng ứng với niềm tự hào phấn khởi. Hàng năm giao lưu văn nghệ ca múa hát giữa các làng văn hoá diễn ra sôi nổi với đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, công tác DSKHHGĐ và trẻ em được quam tâm thực hiện tốt. Năm 2007 xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Năm 2006 đã hoàn thành chương trình phổ cập trung học và nghề. Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, trường Mầm Non liên tục đạt tập thể lao động xuất sắc cấp Thành phố. Trường mầm non đã thu hút trên 80% các cháu ở độ tuổi đến lớp, trường Mầm Non và trường Tiểu học đã có bếp ăn bán trú đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhân dân có con gửi đã yên tâm lao động sản xuất. Chất lượng giáo dục được quân tâm và xã hội cao, hàng năm các cháu thi đỗ vào các trường đại học cao đẳng trong cả nước rất cao, năm học 2011 - 2012 có 64 em. Tính đến năm 2012, Đoàn Lập có 6 người có trình độ Tiến sĩ, 20 Thạc sĩ, 487 người có trình độ Đại học, 339 người có trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong số này có nhiều đồng chí thành đạt đang công tác ở mọi miền đất nước, đây là niềm tự hào, vinh dự của quê hương.
Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đã đi vào chiều sâu, đạt kết quả khá. Hiện nay xã đã hoàn thành 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định.
Hệ thống đài truyền thanh của xã đã được nâng cấp, đảm bảo thông tin kịp thời các chủ trương chính sách của Nhà nước. 100% dân số Đoàn Lập dùng nước hợp vệ sinh, có điện thắp sáng và Tivi, 95% hộ có xe máy và 35% hộ sử dụng mạng Internet. Công tác vệ sinh môi trường thu gom rác thải được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực.
Đối với các gia đình liệt sỹ, thương binh những người có công với nước, người bị nhiếm chất độc da cam... hàng năm vào dịp những ngày lễ, ngày tết Đảng uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà. Tích cực tiếp nhận các dự án cho vay ưu đãi của nhà nước cho các hộ nghèo, hộ khó khăn vay để có điều kiện phát triển sản xuất và chăn nuôi mở rộng các ngành nghề. Hiện nay các đoàn thể và nhân dân trong xã đã và đang sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng chính sách, Ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn và quỹ tín dụng Nhân dân gần 30 tỷ đồng.  
Đặc biệt phát huy những giá trị truyền thống, nhiều năm qua Đảng bộ đã đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Qua đó bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu quê hương nâng cao ý chí cách mạng, tinh thần khắc phục khó khăn trong công tác và học tập, trong lao động và sản xuất, tôn trọng nhu cầu tín ngưỡng trong nhân dân đã tạo ra mối quan hệ tốt trong cộng đồng dân cư, do vậy các tôn giáo đoàn kết thực hiện đúng chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước “Sống tốt đời đẹp đạo”. Đảng uỷ luôn luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ -  UBND huyện, từ thực tế của địa phương từ năm 2008 đến nay đã ra 15 nghị quyết chuyên đề và chương trình hành động, thực hiện các nghị quyết của TW - Thành uỷ - Huyện uỷ để đảm bảo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của Đảng.
Công tác xây dựng Đảng luôn luôn được Đảng bộ quan tâm toàn diện. thể hiện trên các mặt công tác là:
- Về công tác tư tưởng được coi trọng, chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng trong cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp thu kịp thời có hiệu quả góp phần tạo ra sự ổn định. Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết TW nhất là nghị quyết TW 4 về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ chí Minh”.
- Về công tác xây dựng Đảng: Từ khi thành lập Đảng bộ xã Đoàn Lập đã trải qua 29 kỳ Đại hội, với 7 đảng viên, đến nay Đảng bộ đã có 294 đồng chí đảng viên sinh hoạt ở 17 chi bộ. Trong nhiều năm qua Đảng bộ luôn luôn giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh. Đã có 250 lượt đảng viên được tặng huy hiệu 30, 40, 50, 55, 60, 65 năm tuổi Đảng.
Qua phân tích đánh giá chất lượng, tổ chức cơ sở Đảng và cán bộ đảng viên năm 2012 có 17/18 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, không có chi bộ yếu kém. 80.7% tổng số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 16% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không có đảng viên vi phạm tư cách. Đảng bộ được Ban thường vụ Huyện uỷ công nhận đạt trong sạch vững mạnh.    
Kính thưa các vị đại biểu, thưa các Đồng chí.
Có thể thấy 65 năm qua, kể từ khi mới ra đời Đảng bộ và nhân dân Đoàn Lập luôn cùng Đảng bộ và nhân dân toàn huyện chiến đấu, bảo vệ và xây dựng CNXH đóng góp công lao của mình vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của quê hương, đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ, xây dựng đất nước, hàng ngàn thanh niên Đoàn Lập đã tình nguyện tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ Quốc. Trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ ác liệt ấy, biết bao người con yêu quý của Quê hương đã chiến đấu dũng cảm và hi sinh anh dũng. đó là những tấm gương sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng với hơn 200 liệt sĩ, 115 thương, bệnh binh, 125 gia đình có công với cách mạng. Ghi nhận những đóng góp đó Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý cho 8 Bà Mẹ Việt nam anh hùng. tặng thưởng 549 huân, huy chương các loại, gần 400 bằng khen cho tập thể và cá nhân.
Ngày 25 tháng 8 năm 2010, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã kí Quyết định phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho nhân dân và LLVT xã Đoàn Lập đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thành tích và kết quả của Đảng bộ cũng như Nhân dân địa phương trên chặng đường 65 năm qua là rất đáng tự hào. Lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân, những thế hệ kế tiếp luôn biết ơn và vun đắp cho truyền thống xứng danh đó đồng thời còn có ý nghĩa đóng góp to lớn cho phong trào chung của Huyện nhà.
Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và những thành tựu đạt được trong 65 năm qua. Tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết, phấn đấu xây dựng Đảng bộ trước những thời cơ và vận hội mới trong xu thế hội nhập và phát triển. Đảng bộ Đoàn Lập ra sức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đảng bộ xã lần thứ 29 (nhiệm kỳ 2010- 2015).